Thách thức của những 'biến thể ẩn mình'
8h:40 (GMT+7) - Thứ tư, 11/05/2022
Số ca mắc COVID-19 cũng như số ca tử vong do căn bệnh này trong tuần qua duy trì đà giảm mạnh, là cơ sở để các nước tiếp tục nới lỏng, thậm chí dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế phòng dịch.
Tuy nhiên, đại dịch lắng dịu không có nghĩa là đã kết thúc, khi mà thế giới vẫn ghi nhận các biến thể của virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và xuất hiện ở nhiều nơi, thậm chí có biến thể được xem là đang "ẩn mình chờ thời".

Ngày 4/5, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách vấn đề Y tế và an toàn thực phẩm Stella Kyriakides cảnh báo Ủy ban châu Âu (EC) đã tuyên bố giai đoạn mới của đại dịch COVID-19, nhưng đây chưa phải là giai đoạn kết thúc, do đó các nước thành viên không nên vội chủ quan trước dịch bệnh, mà phải luôn đề phòng về nguy cơ xuất hiện đợt bùng phát mới.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang chú ý tới những dòng phụ của biến thể Omicron và quan ngại khả năng xảy ra đợt bùng phát dịch bệnh mới trên toàn cầu. Tại Nam Phi, quốc gia đầu tiên thông báo về sự tồn tại của biến thể Omicron hồi tháng 11/2021, hiện đang chứng kiến số ca mắc gia tăng nhanh chóng do BA.4 và BA.5. Đây là 2 trong số 5 dòng phụ của Omicron được giới khoa học xác định cho đến thời điểm hiện tại.
Trong báo cáo dịch tễ học mới nhất, WHO cho biết BA.4 và BA.5 đã có một số đột biến bổ sung có thể ảnh hưởng đến đặc tính của hai biến thể trên. Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, hiện còn quá sớm để xác định hai biến thể phụ này có thể khiến dịch bệnh COVID-19 nghiêm trọng hơn các biến thể phụ khác của Omicron hay không.
Thực tế này cũng cho thấy con người chưa thể hiểu và lường hết được những rủi ro mà các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra. Tuy nhiên, người đứng đầu WHO nhấn mạnh các dữ liệu giai đoạn đầu cho thấy tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 vẫn là biện pháp bảo vệ hiệu quả con người khỏi nguy cơ tử vong và trở nặng khi mắc bệnh.
Nguy cơ bùng phát các làn sóng dịch mới không chỉ đến từ những đột biến của biến thể Omicron. Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Israel được công bố tuần qua, thế giới cần cảnh giác trước khả năng Delta - biến thể gây ra những hậu quả nặng nề nhất trong gần 3 năm bùng phát dịch vừa qua, có khả năng trở lại và tạo nên những làn sóng dịch mới. Cho đến nay, bất cứ khi nào một biến thể mới và vượt trội xuất hiện, biến thể "tiền bối" của nó sẽ bị lấn át sau một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, với hai biến thể Delta và Omicron, kết quả kiểm tra nước thải cho thấy khi Omicron gia tăng, Delta vẫn hoạt động. Có nghĩa là trong khi Delta xuất hiện đã thay thế các biến thể trước, biến thể này không thể bị loại bỏ bởi “người kế nhiệm” Omicron. Mô hình dự báo của các nhà khoa học cho thấy trong khi Omicron đang tự tiêu diệt, Delta vẫn “ẩn mình chờ thời” và có thể quay lại bất cứ lúc nào.
theo báo Tin Tức